Tin tức các hoạt động của cục

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Ngày 18/3/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tổ chức Hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đây là những văn bản quan trọng liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh trong công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.

Đồng chí Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì Hội nghị

Hội nghị do đồng chí Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh chủ trì cùng với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trong Cục; báo cáo viên của Hội nghị là ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

Tổ chức thi hành pháp luật là một hoạt động để thực hiện kết quả hoạt động lập pháp, lập quy vào thực tiễn cuộc sống, là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức khác đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã coi “tổ chức thi hành pháp luật” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đối với Bộ Công an và Công an nhân dân các cấp, việc tổ chức thi hành pháp luật là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp báo cáo viên của Hội nghị

Ngày 13/11/2020, Quốc hội thông qua Luật số 67/2020/QH17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các văn bản này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Theo đó, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có một số điểm mới nổi bật như sau: tăng mức phạt tiền tối đa của của nhiều lĩnh vực; bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt; tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực; bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính;… 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe báo cáo viên truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật sửa đôi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đây là những văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh trong công tác đầu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh. Tại Hội nghị, ông Sơn đã giải đáp một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Để việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản trên đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tập trung thực hiện một số nội dung sau: tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, đặc biệt là đối với cán bộ chiến sĩ trực tiếp thực hiện xử lý vi phạm hành chính nắm vững nội dung tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết, chấp hành. Tăng cường công tác “tổ chức thi hành pháp luật”, chú trọng theo dõi, kiếm tra tình hình thi hành pháp luật bảo đảm việc triển khai thi hành các văn bản trên được nghiêm chỉnh, kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập, hạn chế trong áp dụng pháp luật tại các đơn vị.

Hoàng Anh - Tuyên truyền